Chinh phục bằng dịch vụ - Phục vụ bằng trái tim

Translate

Tour Cà Mau Phổ Biến

Truyện kể Bác Ba Phi


Bác Ba Phi là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884- 1964). Ông vốn là một nông dân tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau,Ông có khiếu kể chuyện rất hóm hỉnh và đặc sắc, được nhiều người ưa thích…
Ông sinh ra tại tỉnh Đồng Tháp, do gia đình quá nghèo nên từ nhỏ ông phải đi cày thuê để nuôi tám người em nhỏ. Khi 15 tuổi, mẹ ông qua đời, ông trở thành lao động chính của gia đình. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn, nhưng đến ban đêm, ông thường tham gia tụ họp đờn ca. Ông được bà con trong xóm mê tiếng ca và nể trọng tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái, đặc biệt là những câu chuyện kể và cách kể chuyện lôi cuốn người nghe của ông.
Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế- một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản Tế  hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải làm công trong ba năm. Nhờ sức chịu thương chịu khó, nên sau ba năm thì ông cưới được vợ. Cũng do điều này mà Hương quản Tế rất yêu thương người con rể và đã cắt chia cho vợ chồng Ba Phi khá nhiều đất. Cộng với sự cần cù sẵn có, ông đã ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.

Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời. Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của Bác Ba Phi thì đây là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng với thành ngữ “Tệ như vợ thằng Đậu” được dùng để chỉ những người vụng về. Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái. Bác Ba Phi qua đời ngày 03/11/1964 tại rừng U Minh Hạ, nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phần mộ của ông được đặt giữa hai ngôi mộ của bà Ba Lữ và Bà Chăm tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh Hạ.
Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi được xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau. Những câu chuyện kể của ông, truyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi. Đồng thời, nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặt trưng, lòng yêu thiên nhiên và con người của người dân Nam Bộ.
Theo sách: “Cà Mau điểm hẹn”
Vỏ quýt dầy, móng tay nhọn

Dân sống vùng quê sợ nhất là mỗi lần nghe lính đến càn. Chữ “càn” của nó rất đa nghĩa. “Càn” gà vịt của người ta, “càn” cả phụ nữ, già hổng bỏ, nhỏ hổng tha. Ngoài ra, mục tiêu chính nữa của chúng trong các cuộc đi càn là càn của cải, tiền bạc.
Mới sáng sớm, mà Hai Lúa đã qua tìm tao than thở :
   Kỳ này, tụi lính đồn nó đi càn quặn dữ đa. Nó đã hốt sạch bầy vịt hai trăm con, không còn lấy một mống.  Tao chưa kịp trả lời thì thằng Tư Ruộng đã chống xuồng qua tới :
  Chú Ba ! Tụi lính đồn đã khen con heo của tui hai tạ mấy, nó còn khen tui khéo nuôi nên con heo mập ú ù. Nghe nó nói, tui tức muốn ói máu.
Câu chuyện chưa dứt, thì xuồng của bọn lính đã tới lộ quẹo. Bọn chúng đi tới đâu, heo, gà, vịt kêu nhoi trời tới đó khiến Ba Phi này nóng mũi. Vỗ vai Hai Lúa, an ủi Tư Ruộng, tao gằn lời :
   Được. Mọi người cứ để tui kêu tụi nó thả vịt, heo ra cho. Giờ Tư Ruộng ra đầu hè lượm mớ bọng dừa khô gom lại, nhóm lửa đốt cho có than.
Thấy thằng trưởng đồn dẫn lính tới sát vách nhà, tao cố nói lớn :
  Nhóm cho có thật nhiều than nghen ! Còn tui sẽ xuống mương mò bậy vài chục tôm càng xanh lên làm mồi nhậu chơi.
  Bộ trong mương vườn ông có tôm càng hả ? – Tên trưởng đồn sáng mắt.
Tao lặng thinh, lẳng lặng cởi áo lội xuống kinh bắt đầu vớt tàu dừa, mo nang, bọng dừa quăng lên bờ cho sạch hai bên bờ kinh. Sau đó, tao mò theo cặp nước bắt tôm thảy lên, kêu Hai Lúa, Tư Ruộng bỏ vô bếp than nướng, rồi rủ thằng trưởng đồn cùng nhậu.
Ăn một hơi hết mấy cái đầu tôm, uống hết mấy chung rượu áp sanh đậm đà hương vị nên thằng trưởng đồn khoái chí :
      Này,   bác   Ba!   Bác   có   thể   kiếm   cho   tui   mấy   cái   mương   vườn   kiếm   tôm   ăn   chơi   không  ?
  Ôi thôi !–tao xua tay nói xỏ – Mò tôm chi cho cực. Nội ba con gà, con vịt ông nhậu khẳm rồi, lặn hụp chi cho nó lạnh.
Biết tao nói lẫy nên thằng trưởng đồn cụng ly nốc cạn, rồi quay ra nói lớn :
  Tụi bây đâu ! Trả heo, trả vịt hết đi rồi hết thảy lột đồ nhảy xuống mương mò tôm càng về tao nhậu một bữa cho đã coi.
Thằng đồn trưởng lại tiếp tục nhậu, trong lúc tụi lính ngâm mình đến lạnh mặt, xanh môi mà chẳng được con tôm nào, đã thế còn bị thằng trưởng đồn mắng như tát nước vào mặt.
Tao gục gặc đầu :
  Muốn mò có tôm, trước hết để có tôm phải làm sạch mương như tao đã làm lúc nãy, tụi bây làm không đúng bài bản thì làm gì có chớ.
Đám lính lại nhảy xuống mương dọn sạch mấy chục liếp vườn cho tới khi trời tối. Cuối cùng tụi nó xúm nhau khiêng thằng đồn trưởng say mèm ra về, bỏ luôn cuộc càn.
Đêm đó, Tư Ruộng và Hai Lúa đều muốn biết tại sao tao mò có tôm, còn chúng thì không, tao vuốt râu cười khà :
  Tôm ấy là do tui bắt ngày hôm qua. Khi chúng đến, tui xách rọng tôm ra thả xuống rồi lại bắt lên, khó khăn  gì nào. 
Diệt tàu
Nghe phong thanh tàu sắt Mỹ kéo tới để tóm cổ bằng được tên “Vi Xi” Ba Phi, tao đổ quạu :
  Muốn diệt tao à, không dễ đâu.
Sau mấy ngày suy nghĩ đến nát óc, tao cũng nghĩ ra cách để chống lại ý định của bọn chúng. Tao liền rủ thằng Đậu đi thẳng tới lò rèn quen trong xóm, nhờ ông chủ rèn nối lại mười lưỡi cưa sắt thật dài. Vốn rất nể nang tao, ông thợ rèn hì hục làm gấp mà không hỏi han gì hết.
Cuối cùng, số lưỡi cưa sắt được nối xong. Tao bèn biểu thằng Đậu phụ tao một tay mang số lưỡi cưa ra sông Ông Đốc. Hai ông cháu tao lại è ạch chèo xuồng chở mớ cưa sắt đi. Tới nơi, tao chỉ cách cho thằng Đậu làm, mang lưỡi cưa sắt ra căng xéo ngang sông Đốc, khúc quẹo vàm Rạch Lùm.
  Nhớ day hướng răng lưỡi cưa ra mé biển đấy. – Tao dặn thêm thằng Đậu.

Cứ thế, ông cháu tao tiếp tục căng cho hết mấy lưỡi cưa còn lại, mỗi lưỡi cách nhau mười thước ngập dưới mặt nước độ một gang tay. Như vậy, trận địa đã được bố trí xong, dài đâu khoảng một trăm thước. Dưới sông đã xong, giờ lo chuyện trên bờ.

Tao với thằng Đậu đi thu lượm hết những mảnh lưới rách trong làng, và cắt một đống dây chuối khô đem về. Sau đó, ông cháu tao mang lưới rách và dây chuối khô ra cột khắp trên các ngọn cây cao ở hai bên bờ sông. Còn lại mấy khoảng đất trống, tao dùng mớ tầm vông vạt nhọn, cắm nhô lên dày đặc khắp nơi.Sáng hôm sau, tao dẫn thằng Đậu ra bờ sông tìm một địa điểm an toàn để núp và chờ đợi. Mặt trời vừa nhô lên cỡ một sào, thì bọn Mỹ từ ngoài hạm đội, cho mười chiếc tàu sắt chở một tiểu đoàn, súng cầm tay lăm lăm sẵn sàng nhả đạn vào hai bên bờ. Chúng rú hết ga tiến thẳng về phía sông Đốc. Tới ngã ba Vàm, chúng cho tàu quẹo ngay vào. Tao nhổm dậy, căng mắt ra nhìn. Một tiếng kêu rởn tóc gáy, chiếc tàu sắt của Mỹ bị lưỡi cưa của tao tiện ngọt xớt phần dưới nước chừng một gang tay, chiếc tàu rung lên dữ dội, tuy nhiên nó vẫn còn trớn lao vút tới trước như tên bắn. Đến lúc hết trớn, tàu từ từ chạy chậm lại, còn lại khung thành tàu phía trên lỡ trớn chạy tới được vài chục thước thì chìm dần, bọn lính lọt hết xuống sông, lội bì bõm như chuột mắc nước. Rồi chiếc thứ hai,  thứ ba… đến chiếc thứ mười cùng chung số phận.Nhìn cảnh bọn chúng nháo nhào mà chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, hai ông cháu tao núp trong lùm cười đến suýt nữa là bể bụng.