Chinh phục bằng dịch vụ - Phục vụ bằng trái tim

Translate

Tour Cà Mau Phổ Biến

Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ Tại Cà Mau

Tọa lạc tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, di tích lịch sử Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thuộc di tích quốc gia “Các địa điểm thuộc xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục Miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955)” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào ngày 10/11/2010. Vị trí thuận lợi cùng với những giá trị lịch sử quan trọng tạo cho di tích tiềm năng khai thác phục vụ các sản phẩm du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau.

Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Ảnh: TTTTXTDL Cà Mau
Giá trị lịch sử
Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thành lập tại chiến khu Đồng Tháp Mười theo sắc lệnh số 102/SL ngày 01/11/1947 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và quyết định của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, với nhiệm vụ tổ chức in ấn giấy bạc Việt Nam tại Nam Bộ. Dù ở xa Chính phủ Trung ương, lại trong thế kìm kẹp của giặc Pháp nhưng dưới sự lãnh đạo của Xứ Ủy Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, ngay từ ngày đầu giành chính quyền, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã linh hoạt sử dụng ngay chính đồng tiền Đông Dương cho hoạt động tài chính kháng chiến. Tiếp sau đó theo nhiệm vụ được giao, tập thể cán bộ Ban Ấn loát đặc biệt nói chung và Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ nói riêng đã trực tiếp in và phát hành ra những đồng tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà người dân Nam Bộ thường gọi với cái tên thân thương là giấy bạc Cụ Hồ, để phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc của Nam Bộ, đập tan âm mưu bình định Nam Bộ để làm bạn đạp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.
Từ năm 1949, để đảm bảo bí mật, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được lệnh di chuyển về chiến khu U Minh. Tại khu vực này, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã lần lượt tổ chức các phân ban Ấn loát được trang bị các máy in Typo, máy in offset Hamada của Nhật, máy in offset đời cũ của Đức và các phân xưởng sản xuất giấy in tiền, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất. Do đặc thù rừng U Minh, khi sản xuất giấy in Bạc, ngôi sao hình chìm có màu nâu tự nhiên của màu nước U Minh nên khi in ra giấy bạc rất khó làm giả. Ngoài ra Ban Ấn loát Nam Bộ còn tổ chức được xưởng cơ khí để sửa chữa máy in và các loại máy móc thiết bị khác hỗ trợ cho việc in ấn để tạo thế chủ động và nâng cấp chất lượng giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việc in tiền tại chiến khu lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, cán bộ, công nhân viên Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã lao động quên mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các loại giấy bạc đã được in với mệnh giá: 1, 2, 5, 10, 20, 50,100, 200 và 500 đồng, có hình Bác Hồ kính yêu và biểu tượng công, nông, binh, trí, được lưu hành khắp Nam Bộ. Đồng tiền tài chính – giấy bạc Cụ Hồ đóng vai trò hết sức to lớn trong công cuộc xây dựng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ lúc bấy giờ đồng thời tạo vị thế độc lập tài chính trong cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ, bởi trong mỗi đồng tiền đó hàm chứa đầy đủ ý nghĩa chính trị, kinh tế tài chính sâu sắc.
Xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn được coi là điểm dừng chân cuối cùng của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Nơi đây đã ra đời những tờ giấy bạc tươi sáng phục vụ đắc lực cho chính quyền cách mạng của ta, với đầy đủ mệnh giá, trong đó có ảnh Bác Hồ cùng ngôi sao năm cánh màu nâu chìm ở gữa, vừa có những hình ảnh hăng say sản xuất, chiến đấu của đồng bào Nam Bộ, cũng chính là nơi mà đội ngũ làm công tác in tiền phát triển với lực lượng đông đảo nhất, số lượng đồng tiền cụ Hồ được phát hành lớn nhất trong thời điểm Nam Bộ kháng chiến chống Pháp.
Tiềm năng khai thác du lịch
Cùng với thế mạnh du lịch sinh thái, Cà Mau sở hữu khá nhiều tiềm năng du lịch văn hóa. Phát triển du lịch nhân văn dựa trên việc khai thác các di tích lịch sử là một hướng đi phù hợp, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tuyên truyền các giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương với du khách thập phương. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh Cà Mau tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 10 Di tích Quốc gia và 24 Di tích cấp tỉnh được công nhận. Điều đặc biệt, các di tích không nhiều nhưng mỗi di tích đều có giá trị, ý nghĩa về lịch sử, và văn hoá, phản ánh dấu ấn quan trọng trong quá trình khai hoang mở cõi, lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta.
Bên cạnh một số di tích đã và đang được khai thác phục vụ phát triển du lịch có hiệu quả như: Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc, Khu Lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi), Di tích lịch sử và thắng cảnh đảo Hòn Khoai, Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước…, việc khai thác tiềm năng du lịch của di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ sẽ làm phong phú hệ thống các công trình văn hóa – lịch sử phục vụ du lịch của tỉnh Cà Mau. Với vị trí thuận lợi nằm trên tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh TP. Cà Mau – Năm Căn – Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ có nhiều tiềm năng đưa vào chương trình du lịch về nguồn, tham quan, tìm hiểu lịch sử kết hợp, bổ sung vào các tuyến du lịch hiện có của tỉnh. Hiện nay, tại di tích lịch sử Ban Ấn loát Nam Bộ đã hoàn thành các công trình như Bia tưởng niệm, đài ghi danh các anh hùng liệt sĩ, hệ thống sân vườn, hàng rào, chiếu sáng… được khánh thành ngày 06/10/2014, và gần đây, ngày 27/12/2016, nhà trưng bày truyền thống đã được đưa vào hoạt động phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu và các hình ảnh, hiện vật tái hiện lịch sử hình thành và quá trình đấu tranh, hoạt động cách mạng của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ.

Đại biểu tham quan nhà trưng bày tại di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Ảnh: TTTTXTDL Cà Mau
Theo Luật Du lịch (2005), “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình sáng tạo của con người được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch: là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch”. Việc đầu tư khai thác các di tích như Ban Ấn Loát đặc biệt Nam Bộ phục vụ phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn đối với tỉnh Cà Mau hướng đến đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.
Thy Diệu