Chinh phục bằng dịch vụ - Phục vụ bằng trái tim

Translate

Tour Cà Mau Phổ Biến

KHU LƯU NIỆM NHÀ BÁC BA PHI

Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) 
Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, tại Rạch Mũi, Cái Rắn, huyện Cái Nước, là con thứ 2 trong một gia đình có 08 anh em. Bác Ba Phi là một lực điền giỏi võ và mê đờn ca tài tử, đặc biệt rất giỏi đờn cò. Sau khi sinh ông, ba mẹ ông do tránh sự truy đuổi bắt lính, phạt vạ và quấy rối của đám quan quân thời chúa Nguyễn đã chạy dạt sang trú ngụ tận Kênh Ngang, thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời ngày nay.

 Kết quả hình ảnh cho BÁC BA PHI
Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) thuộc số 26, Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) thuộc số 26, Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Năm bác Ba Phi 15 tuổi thì cha lâm bệnh qua đời, để lại ba người em trai và năm người em gái cho bác Ba chăm sóc. Đến năm 18 tuổi thì bác Ba bị bọn thực dân Pháp bắt làm phu và sau đó đẩy thành lính Lê Dương lưu đày sang Pháp, bác Ba Phi đã vận động được hai lính Pháp cùng bỏ ngũ chạy sang Xiêm (Thái Lan) để tìm đường trở về Việt Nam và trốn tại rừng U Minh.
Sau khi trở về, bác Ba Phi đã xin đến làm công tại nhà Hương Quản Tế (Trần Văn Tế) và sau đó được Hương Quản Tế gả con gái thứ ba của mình là bà Trần Thị Lữ, nhưng bác Ba phải ở rễ ba năm mới được cưới bà Lữ, cũng chính từ đó người ta gọi ông bằng cái tên ghép với cái thứ của vợ, tức là Ba Phi.
Sau khi xây dựng gia đình với bà Trần Thị Lữ, cũng nhờ tính siêng năng cộng với sự cần cù sẵn có, bác Ba Phi đã khai khẩn được rất nhiều ruộng đất ở xứ U Minh Hạ lúc bấy giờ. Có được điền đất riêng, vợ chồng bác Ba Phi chăm lo xây dựng cơ nghiệp, ông huy động dân công, tá điền đào một con kinh giữa rừng U Minh chạy thẳng ra biển Tây để vận chuyển sản vật U Minh bán cho tàu buôn Pháp đậu trong Vịnh Thái Lan, sau đó bác Ba cho tá điền trồng tràm dọc theo hai bên bờ kinh, từ đó kênh Lung Tràm thành tên.

Bác Ba Phi sống với bà Lữ nhiều năm nhưng bà vẫn không sinh được con. Cũng trong thời gian này bác Ba thường thay Hương Quản Tế chở cá lên chợ Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để bán và tham gia thi đấu võ đài mới gặp và quen với bà Lê Thị Lượng (Hai Lượng) hai người đã sống với nhau, khi bác Ba Phi về Cà Mau một thời gian mới biết bà Hai Lượng mang thai. Sau khi sinh được con trai bà đặt tên là Nguyễn Tứ Hải, khoảng ba năm sau ông Ba Phi quay trở lại Mỹ Tho rước mẹ con bà Hai Lượng về Cà Mau sống chung với ông và người vợ lớn Trần Thị Lữ. Vì biết không thể sống hòa thuận dưới một mái nhà với bà Lữ nên bà Lượng để con lại rồi về quê một mình. Khoảng năm 1954, bà Hai Lượng một lần nữa về lại Cà Mau thăm chồng và con. Sau đó bà về lại Mỹ Tho đi thêm bước nữa và có thêm hai người con. Bà Lữ mất năm 1984, hiện nay ngôi mộ của bà được chị Hằng là cháu ngoại của bà chăm sóc, tại xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi.
Về sau này bác Ba mới gặp và cưới bà Lữ Thị Cham (Cà Cham) là cô gái người Khmer Nam Bộ, sau khi về ở với bác Ba, bà đã sinh được cho bác Ba Phi được ba người con và qua đời khi mới 24 tuổi.
Kết quả hình ảnh cho BÀN THỜ BÁC BA PHI
Trong chuyện kể bác Ba Phi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, các địa danh, tên đất, tên làng và những điều kiện khó khăn của người dân xứ Cà Mau - rừng U Minh hạ luôn hiện hữu, chính điều đó đã khiến truyện bác Ba Phi có sức lan tỏa rất rộng rãi. Ngoài thú vui lao động sản xuất, săn bắt những sản vật tự nhiên, người dân xứ rừng U Minh cần hơi ấm nhân gian hơn bao giờ hết, họ cần một không gian quay quần bên nhau, chia sẽ và cộng hưởng niềm vui của cuộc sống. Truyện bác Ba Phi lại đáp ứng được nhu cầu đó, nó trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của những con người sinh sống ở vùng đất Cà Mau.
Bác Ba vốn là người vui tính, lạc quan, ngay từ thuở nhỏ, Bác rất lanh trí và thông minh, sau này hầu hết những chuyện Bác kể, dù là nói quá hay cường điệu do Bác suy nghĩ, liên tưởng hay nhân cách hóa, ai nghe cũng đều cười vui vì thấy có tình có lý. Những năm đầu của thập niên 60 chuyện kể bác Ba Phi xuất hiện như một hiện tượng lạ, lý thú, cuốn hút mọi đối tượng kể cả các đồng chí giao liên và các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Bà con Lung Tràm hiểu rõ Bác hơn ai hết, Bác không chỉ nổi tiếng qua các câu chuyện kể in đậm cá tính người nông dân Nam Bộ mà còn thể hiện tư duy sáng tạo độc đáo qua từng chuyện kể như thấy phảng phất một bác Ba Phi với tấm lưng trần, đầu quấn khăn rằn, một tay đang đặt cây mác vót xuống bắp vế, trên môi còn “bập bập” điếu thuốc gò vấn bằng giấy nhựt trình to tướng rồi Bác hạ giọng kể qua một hai câu truyện vui dí dỏm nào đó cho bà con và những đứa trẻ trong xóm đang vây quanh.


Năm 1942, giữa lúc cao trào cách mạng đang dâng cao, bác Ba tự nguyện hiến hàng trăm mẫu ruộng cho Đảng, Nhà nước để chia cho dân nghèo không có đất canh tác, Bác chỉ chừa lại vài mẫu cho gia đình canh tác sinh sống.


Bác Ba Phi qua đời vào ngày 06/12/1964 (nhằm ngày 03/11/1964 âm lịch), tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, nay là Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ngôi mộ của ông hiện nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham.


Hiện di tích chỉ còn lại cây giáo ngày xưa bác Ba dùng để đi săn heo rừng do chị Nguyễn Mỹ Lệ (cháu nội bác Ba Phi) đang lưu giữ và chiếc xuồng độc mộc (ngày xưa bác Ba Phi dùng để vào rừng săn bắt), được gia đình ông Nguyễn Văn Đun (cháu gọi bác Ba Phi là ông Bác) đang lưu giữ, bảo quản.


Bác Ba mất đi nhưng đã để lại một kho tàng truyện tếu lâm cho thế hệ sau, mặc dù không được ghi chép rõ ràng nhưng những mẫu chuyện kể như: Tàu rùa, câu ếch, rắn tát cá, nếp dẻo, cọp xay lúa,…vẫn được truyền miệng và lan tỏa từ Bắc chí Nam. Hễ khi thấy ai nói truyện dóc hay kể truyện tếu lâm thì mọi người đều ví von: “nói dóc như bác Ba Phi”.
Kết quả hình ảnh cho khu mộ bác ba phi

Với kho tàng truyện kể dân gian để lại, năm 2003, bác Ba Phi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian”.
Ngày 10/9/2015, UBND tỉnh Cà Mau đã công nhận Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh